Breaking News
Home / MỤC LỤC / Giáo Dục & Khoa Học / CÁC YẾU TỐ CHÍNH GIÚP BẠN THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG VÀ KHI CÁC GIẢI PHÁP KHÁC ĐỀU KHÔNG THỂ GIÚP BẠN THÀNH CÔNG, BẠN HÃY CHỌN GIẢI PHÁP CUỐI CÙNG: ĐÓ LÀ LÒNG THƯƠNG HẠI TỪ ĐỐI TÁC!

CÁC YẾU TỐ CHÍNH GIÚP BẠN THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG VÀ KHI CÁC GIẢI PHÁP KHÁC ĐỀU KHÔNG THỂ GIÚP BẠN THÀNH CÔNG, BẠN HÃY CHỌN GIẢI PHÁP CUỐI CÙNG: ĐÓ LÀ LÒNG THƯƠNG HẠI TỪ ĐỐI TÁC!

Con người ta sinh ra trong cõi đời này ai cũng mong muốn mình thành công trong cuộc sống như : Thành công trong học tập, thành công trong công việc, thành công trong cuộc sống gia đình, thành công trong việc cống hiến giúp ích cho đời, cho người, cho đất nước, cho nhân loại….Nhưng để thành công trong cuộc sống là điều dễ hay khó và làm thế nào để chúng ta thành công? Đây là câu hỏi lớn mà nhiều người đang cần sự giải đáp.

Theo học giả nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê: “Trong bất kỳ lĩnh vực nào số người thành công không quá 5%”.

Còn theo một cuộc điều tra từ 1.000 sinh viên tốt nghiệp tại Trường Đại học Harward ở Mỹ (một trong những Trường đại học hàng đầu của thế giới) sau 30 năm kể từ khi các sinh viên này tốt nghiệp đại học cho thấy:

  • Số sinh viên sau khi tốt nghiệp thực sự thành công chỉ chiếm 3%
  • Số sinh viên sau khi tốt nghiệp tạm gọi là thành công chiếm 10%
  • Số sinh viên sau khi tốt nghiệp thực sự thất bại chiếm 27%
  • Số sinh viên sau khi tốt nghiệp thuộc loại thất bại chiếm 60%

Như vậy chúng ta thấy rằng một sinh viên tốt nghiệp đại học ở một trong những trường đại học hàng đầu của thế giới như Harward nhưng khi ra đời số người thành công cũng chiếm tỷ lệ rất thấp khoảng 13%, còn lại 87% coi như là thất bại! Điều này cho thấy muốn thành công trong cuộc sống là điều không hề dễ dàng và tỷ lệ người thành công trong cuộc sống là không nhiều. Hiện nay một trong những tiêu chí quan trọng để xếp hạng các Trường đại học hàng đầu của thế giới là “Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học trường đó ra đời thành công!”.

Vì sao thành công trong cuộc sống lại khó khăn đến vậy?

Tác giả bài viết này muốn chia sẻ với các bạn một số yếu tố chính giúp bạn thành công trong cuộc sống.

Theo tác giả sau đây là một số yếu tố chính giúp bạn thành công trong cuộc sống:

1/ Yếu tố thứ nhất, nổ lực của bản thân

Theo tác giả đây là yếu tố quan trọng nhất chiếm trên 50% khả năng thành công của bạn.

Ngay cả Đức Phật cũng nói rằng: “ Dựa vào sức mình là chính!”.

Có nhiều người xuất thân từ gia đình rất nghèo khó nhưng nhờ nổ lực phấn đấu không ngừng nghỉ cộng với một chút may mắn họ đã rất thành công. Ví dụ:

Michael Faraday, xuất thân từ một người thợ đóng sách không được học hành bài bản ở trường lớp, nhưng nhờ nổ lực phấn đấu và may mắn ông vẫn trở thành một nhà vật lý học vĩ đại.

Lơven Hue, từ một người đi làm thuê, ông đã nổ lực phấn đấu và trở thành người đầu tiên chế tạo ra kính hiển vi.

Andrew Carnegie, từ cậu bé nghèo khó nhờ nổ lực và kiên định ngành thép đã trở thành tỷ phú thép giàu nhất nước Mỹ.

Dmitri Mendeleev, xuất thân từ gia đình nghèo khó đã nổ lực suốt 20 năm để phát minh ra Bảng hệ thống tuần hoàn các nguyên tố hóa học.

Và tất nhiên còn rất rất nhiều người khác nữa…

Trong các yếu tố nổ lực của bản thân, theo tác giả nổ lực học tập là yếu tố quan trọng nhất giúp bạn thành công. Các bạn nên nhớ rằng: “Con người ta thành công với hai bàn tay trắng chứ không ai thành công với một cái đầu trống rỗng”.

Còn theo Fukuzawa, vị khai quốc công thần của nước Nhật đã nói: “Trời không sinh ra người đứng trên người. Tất cả chỉ do sự học mà ra”.

Napoleon cũng nói rằng: “Tài năng của ông ta có được từ sách vở!” và ông ta đã đọc sách rất nhiều.

Elon Mush, tỷ phú giàu nhất thế giới hiện nay, hồi trẻ thường đọc sách tới 10 tiếng một ngày!

Tất nhiên không nhất thiết các bạn phải học ở trường học, các bạn có thể học ở trường học, học ở trường đời, học từ công việc, học từ trong cuộc sống của các bạn….. Có nhiều người rất thành công trong cuộc sống nhưng chưa tốt nghiệp đại học như: Bill Gates, Steve Job, bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai…  thậm chí nhiều người còn chưa tốt nghiệp phổ thông như: Edison, Richard Branson…

Trong yếu tố nổ lực của bản thân, một trong những yếu tố quan trọng là bạn phải đi đúng hướng. Bạn nên nhớ rằng không phải con đường nào cũng đến được La Mã! Có con đường đi nhanh, có con đường đi chậm và có cả con đường bạn không bao giờ đến được La Mã. Để chọn hướng đi đúng bạn cần phải tìm hiểu kỹ ngành nghề, lĩnh vực, công việc bạn dự định theo đuổi. Bạn cũng cần tham khảo những bậc cao nhân như các thầy, cô giáo, những người có kinh nghiệm đi trước lĩnh vực đó để nhờ họ góp ý, nhưng người quyết định cuối kỳ là bạn! Tác giả cũng khuyên bạn nên chọn cho mình những công việc, những ngành nghề, những lĩnh vực bạn yêu thích, phù hợp với sở trường của bạn chứ không nên chọn các công việc, các ngành nghề hay lĩnh vực bạn dễ dàng thực hiện! Bởi khi bạn làm những công việc bạn yêu thích bạn sẽ thấy hạnh phúc, vui vẻ và phát huy tối đa khả năng, năng lực của bạn.

Trong cuộc sống bạn cũng phải nổ lực dám thay đổi, dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận rủi ro, mạo hiểm khi gặp khó khăn, bế tắc. Nếu bạn không dám thay đổi, không dám mạo hiểm khi gặp khó khăn, bế tắc hoặc khi có cơ hội thuận lợi bạn sẽ không có những đột phá, không tạo ra những khác biệt giữa bạn và những người khác. Ví dụ:

Bill Gates đang học ở đại học Harward, ông ta bỏ học đi kinh doanh và rất thành công, sau này ông ta trở thành một trong những người giàu nhất thế giới.

Jeff Bezos đang giữ chức Phó chủ tịch trẻ nhất của công ty D.E.Shaw& Co nhưng ông ta đã từ bỏ vị trí tốt này, thành lập công ty Amazon.com và rất thành công, trở thành một trong những người giàu  nhất thế giới.

Elon Mush, năm 17 tuổi ông quyết định rời Nam Phi qua Canada sống, rồi sau đó qua Mỹ học. Khi đang học tiến sĩ ở Trường Đại học nổi tiếng Stanford của Mỹ, ông đã bỏ ngang đi kinh doanh và trở thành người giàu nhất thế giới hiện nay.

Jack Ma đang là giáo viên dạy tiếng Anh, ông ta bỏ nghề dạy học, thành lập công ty Alibaba và trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc.

Huấn luyện viên bóng đá nổi tiếng Mourinho đang là giáo viên dạy tiếng Anh ở trường làng! Ông ta bỏ nghề dạy chuyển sang làm huấn luyện viên bóng đá và trở thành một trong những huấn luyện viên bóng đá xuất sắc nhất, nổi tiếng nhất thế giới hiện nay.

Đặng Lê Nguyên Vũ ở Việt Nam đang học bác sĩ, ông ta bỏ học đại học, thành lập cà phê Trung Nguyên và cũng rất thành công.

GS.VS Nguyễn Văn Tuấn, bác sĩ và nhà khoa học ở Úc. Ông là một trong những nhà khoa học gốc Việt thành công nhất ở nước ngoài. Năm 27 tuổi lúc đó ông ở Kiên Giang, ông đã quyết định vượt biên ra nước ngoài và phải sống ở trại tập trung ở Thái Lan một thời gian trước khi được Úc đến phỏng vấn và đưa về Úc sống. Nếu ông ta không quyết định vượt biên mà chỉ an phận sống ở Việt Nam thì bây giờ có lẽ ông ta chỉ là một người Việt Nam bình thường thôi!

Tất nhiên không phải người nào thay đổi cũng đều thành công, các bạn nên nhớ rằng thay đổi bao giờ cũng gắn với yếu tố rủi ro, vì vậy thay đổi không phải lúc nào cũng đúng, cũng tốt. Do đó trước khi thay đổi bạn cần phải thận trọng, suy nghĩ và chuẩn bị kỹ.

Vậy khi nào bạn nên thay đổi? Bạn nên thay đổi khi:

  • Thứ nhất, bạn thấy công việc hiện tại hoặc vị trí hiện tại bế tắc, không phát triển được hoặc không phù hợp với bạn.
  • Thứ hai, bạn tìm được cho mình một hướng đi mới tốt hơn, hoặc tìm được một công việc khác tốt hơn, phù hợp với bạn hơn.
  • Thứ ba, bạn có đủ điều kiện để thực hiện công việc mới và tự tin rằng mình sẽ thực hiện công việc mới thành công hơn công việc cũ.

Trước khi thay đổi, tác giả khuyên bạn nên tìm hiểu thật kỹ công việc mới, lĩnh vực mới, bạn có thể nhờ những người có kinh nghiệm, có kiến thức hoặc đi trước về lĩnh vực mới này tư vấn giúp bạn nhưng quyền quyết định cuối cùng là ở bạn! Bạn cũng nên có những phương án dự phòng khi công việc mới, lĩnh vực mới thất bại!

Vậy khi nào bạn không nên thay đổi? Bạn không nên thay đổi khi:

  • Thứ nhất, công việc hiện tại và vị trí hiện tại của bạn đang rất tốt, đang triển vọng và bạn không muốn thay đổi.
  • Thứ hai, bạn chưa tìm được một hướng đi mới, hoặc một công việc mới tốt hơn, phù hợp hơn với bạn.
  • Thứ ba, bạn không tự tin trong việc thay đổi hoặc không đủ điều kiện để thay đổi, hoặc bạn thuộc dạng người không muốn thay đổi, chỉ thích an phận!

Theo tác giả, sống ở đời bạn phải biết mình dang nằm ở đâu, khả năng và năng lực của mình thế nào để quyết định nên thay đổi hay không nên thay đổi sau khi tham khảo ý kiến của những người khác!

Nhưng dù có thay đổi hay không thay đổi bạn vẫn phải nổ lực hết sức mình trong lĩnh vực mới hay cũ của bạn, thành công không nhiều thì ít sẽ đến với bạn!

Nhà bác học Louis Pasteur có nói: “ Không có sự cố gắng nào là vô ích”, còn nhà văn Lỗ Tấn nói rằng: “Trên bước đường thành công của con người ta không có dấu chân của kẻ lười biếng”, nhà văn Lý Thượng Long nói rằng: “Không nổ lực thì đừng tham vọng”, còn nhà bác học Dmitri Mendeleev nói rằng: “Trọn đời nổ lực sẽ thành thiên tài”…

Theo tác giả: Đặc điểm chung của những người thành công trong cuộc sống đều là những người nổ lực, nổ lực, nổ lực… không ngừng nghỉ và làm việc, làm việc, làm việc…hết sức!

Tóm lại: Bạn có thể không giỏi nhất, không thông minh nhất, không giàu có nhất nhưng bạn phải cố gắng cao nhất có thể trong khả năng và điều kiện của bạn; Nhưng trước khi nổ lực và phấn đấu hết sức bạn phải chọn cho mình một hướng đi đúng, phù hợp với sở trường, yêu thích của bạn và dám thay đổi khi gặp bế tắc hoặc khi có cơ hội thuận lợi. Thành công sẽ đến với bạn!

2/ Yếu tố thứ hai, hoàn cảnh của bản thân

Hoàn cảnh của bản thân là một yếu tố quan trọng, nó vừa là cơ hội vừa là rủi ro đối với bạn.

Nếu bạn sinh ra trong một gia đình giàu có “ Nhà mặt phố, bố làm to”, đây sẽ là cơ hội rất tốt để bạn có điều kiện học hành, có điều kiện để bạn phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, nhưng nó cũng là rủi ro nếu bạn ỷ lại, không có động lực để phấn đấu, thậm chí nó còn là “cơ hội tốt” để bạn ăn chơi, đua đòi, sa ngã, hút chích…bởi đồng tiền và cuộc sống nó có hai mặt của nó, nếu ai không tin đồng tiền có 2 mặt thì cứ lấy đồng tiền ra xem thử! Bạn nên nhớ rằng con nhà giàu chưa chắc thành công hơn con nhà nghèo!

Nhà bác học Nobel cũng cho rằng: Tiền bạc chỉ cần vừa đủ, khi đó con người ta mới có động lực để phấn đấu, để vươn lên; còn nếu tiền bạc dư thừa con người ta sẽ đâm ra lười biếng, không muốn làm việc, chỉ muốn hưởng thụ…

Ngược lại nếu bạn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nó vừa là rủi ro, vừa là cơ hội đối với bạn. Rủi ro vì bạn không có điều kiện để học hành tốt như những gia đình khá giả khác, thậm chí bạn còn phải vừa học vừa phụ giúp bố mẹ để mưu sinh, nhưng nó cũng là cơ hội, là động lực để bạn “biết thân mình, biết phận mình” nổ lực vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo, thoát khỏi lũy tre làng…

Nhà văn Balzac có nói: “Hoàn cảnh nghèo khó là nấc thang cho những bậc anh tài, là kho tàng cho những người khôn khéo, là vực thẳm cho những kẻ yếu hèn”.

Tuy nhiên nếu hoàn cảnh của bạn quá khắc nghiệt, vượt quá khả năng và nghị lực của bạn thì bạn cũng không thể thành công được…

Tôi được biết có một gia đình nghèo ở Việt Nam sinh hơn 10 người con, đến khi sinh tiếp người con trai nữa, do nhà quá nghèo không nuôi nổi nên muốn đem người con này cho người khác để làm con nuôi. May mắn thay lúc đó có một gia đình người Mỹ đang du lịch ở Việt Nam biết được, gia đình người Mỹ này đã có 2 cô con gái rồi nên họ rất muốn có một cậu con trai. Họ đã đồng ý nhận đứa con trai này làm con nuôi và đem về Mỹ sinh sống. Sau này cậu con trai trở thành giáo sư của một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ! Cậu cũng thỉnh thoảng về Việt Nam thăm bố mẹ ruột và các anh chị ruột của mình. Nếu cậu con trai này ở Việt Nam và sống trong gia đình này thì cậu cũng chỉ là một “phó thường dân” của Việt Nam thôi, thậm chí có thể cậu phải đi đánh giày, bán vé số…mưu sinh.

Trong thực tế có những người không thành công trong cuộc sống không phải vì họ kém tài, không phải vì họ không nổ lực mà vì hoàn cảnh của họ quá khắc nghiệt!

Trong hoàn cảnh của bản thân có cả đất nước nơi bạn sinh ra, nếu bạn sinh ra ở một đất nước chiến tranh như Ucraina hiện nay hay một đất nước quá nghèo khó, đố kỵ lẫn nhau, bạn muốn thành công cũng rất khó thậm chí không thể! Ngay cả Buffett, một tỷ phú người Mỹ, người được mệnh danh là nhà đầu tư vĩ đại nhất của thế kỷ 20 cũng cho rằng: “ Một trong những nguyên nhân ông có được thành công như hiện nay là ông sinh ra và lớn lên ở Mỹ”.

Tóm lại: Hoàn cảnh tốt vừa là cơ hội vừa là rủi ro đối với bạn, còn hoàn cảnh khó khăn vừa là rủi ro vừa là cơ hội đối với bạn, bạn nên cố gắng tận dụng hoàn cảnh tốt của mình để vươn lên thành công trong cuộc sống, còn nếu gặp hoàn cảnh không tốt bạn cần phải nổ lực hơn người để bù đắp lại hoàn cảnh không tốt của mình!. Tuy nhiên nếu hoàn cảnh của bạn quá khắc nghiệt, vượt quá khả năng và nghị lực của bạn thì bạn cũng không thể thành công được.

3/ Yếu tố thứ ba, chỉ số thông minh IQ và khả năng thích nghi của bạn

Theo tác giả chỉ số thông minh IQ là yếu tố khó cải thiện nhất trong các yếu tố giúp bạn thành công. Nó là yếu tố bẩm sinh. Nói như vậy không có nghĩa là trí thông minh của bạn không cải thiện được!

Trí thông minh của bạn vẫn có thể cải thiện được nhưng chỉ cải thiện được một phần, nó phụ thuộc vào nổ lực phấn đấu, đầu tư tìm tòi, nghiên cứu của bạn.

Nhiều người cho rằng: “Cần cù bù thông minh”. Điều này đúng nhưng chỉ đúng một phần thôi vì có những cái cần cù không bù thông minh được! Bạn không thể cần cù để có được bộ óc thông minh như Einstein!

Ngô Bảo Châu của Việt Nam cũng nói rằng: “Không phải ai cũng có thể đoạt giải Field hay Nobel được, nhưng mọi người đều có thể sống một cuộc sống hữu ích.”

Còn học giả nổi tiếng Nguyễn Hiến Lê cho rằng: “Muốn là được nhưng cái muốn đó phải nằm trong khả năng của bạn thì muốn mới là được!”

Trong lịch sử các đời trạng nguyên của Việt Nam, không có trạng nguyên nào đa tài như trạng nguyên Lương Thế Vinh, ông ta vừa giỏi Văn, giỏi Toán, giỏi cả nghệ thuật… ông ta là người đầu tiên phát minh ra nghệ thuật múa rối. Nhưng điều đáng nói là không có trạng nguyên nào học hành nhàn hạ, sung sướng như ông ta. Đến mùa thi nhiều người học ngày đêm, cắm đầu, cắm cổ nhưng ông ta vẫn học chơi chơi, nhàn hạ, đi thả diều… nhưng vẫn đỗ trạng nguyên! Nghĩ ở đời nhiều lúc cũng bất công, nhiều người học hết cơm, hết gạo nhưng thi vẫn rớt lên rớt xuống, trong khi đó có những người học chơi chơi, đến mùa thi đi thả diều… vẫn đỗ trạng nguyên. Bởi con người ta sinh ra trên cõi đời này chỉ có một công bằng duy nhất là thời gian thôi, còn các yếu tố khác đều không công bằng trong đó có trí thông minh!

Nhưng thật ra trí thông minh cũng chỉ là một yếu tố giúp bạn thành công thôi chứ không phải là tất cả. Nếu bạn sinh ra không có được một trí thông minh hơn người thì bạn phải nổ lực phấn đấu, kiên trì hơn người! Ví dụ tỷ phú Jack Ma của Trung Quốc. Ông ta thi đại học lần thứ 3 mới đậu, ông ta nộp đơn xin học ở trường đại học Harward của Mỹ 10 lần nhưng đều thất bại, ông ta xin việc làm tại một công ty có 23 người nộp đơn, nhưng công ty này nhận 22 người chỉ duy nhất mình ông họ không nhận! Nhưng nhờ nổ lực phấn đấu, kiên trì ông vẫn thành công và trở thành một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc hiện nay.

Các bạn nên nhớ rằng trong thực tế, có nhiều người rất thông minh, học rất giỏi nhưng ra đời lại không thành công, họ không phát huy được khả năng và năng lực của họ ngoài xã hội, họ không thích nghi được với cuộc sống bên ngoài; ngược lại có những người học không giỏi nhưng ra đời lại rất thành công, bởi họ phát huy được khả năng và năng lực của họ ngoài xã hội, họ thích nghi được với cuộc sống bên ngoài.

Hiện nay nhiều người cho rằng: “Người thành công nhất không phải là người thông minh nhất mà là người thích nghi tốt nhất!.”

Theo tác giả để thích nghi tốt với cuộc sống bên ngoài, bạn phải chấp nhận: “Nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy thân”, ở đâu bạn phải theo đó và bỏ tính sỉ diện đi để hòa nhập với cộng đồng, với cuộc sống ngoài xã hội.

Tóm lại: Trí thông minh  là một yếu tố quan trọng giúp bạn thành công trong cuộc sống và trí thông minh của con người có thể cải thiện được, nó phụ thuộc vào nổ lực phấn đấu, đầu tư tìm tòi, nghiên cứu của bạn nhưng chỉ cải thiện được một phần. Nhưng điều quan trọng là dù bạn không thông minh như Einsten hay Lương Thế Vinh…bạn không thể đoạt giải Field hay Nobel như Ngô Bảo Châu, bạn vẫn có thể thành công trong cuộc sống nếu bạn biết nổ lực phấn đấu, kiên trì và thích nghi được với cuộc sống ngoài xã hội, bạn vẫn có thể sống một cuộc đời đầy ý nghĩa và hữu ích.

4/ Yếu tố thứ tư, sự may mắn

Nhà bác học thiên tài Einstein đã nói: “Dù anh có thông minh xuất chúng, dù anh có cẩn thận tuyệt vời, trước sau gì anh cũng có sự may rủi”.

Đối với thế giới này Einstein là một tượng đài vĩ đại, là nhân vật số 1 của thế kỷ 20, là nhà khoa học số 1 của thế kỷ 20. Các nhà khoa học trên thế giới cho rằng: “Thế giới này còn rất lâu nữa mới sản sinh được một tài năng như Einstein”. Nhưng Einstein cũng hơn một lần thất bại. Einstein từng thi rớt đại học và phải thi lại năm 2 mới đậu. Sau khi tốt nghiệp đại học Einstein cũng thất nghiệp 2 năm trời và phải làm gia sư để kiếm sống, Einstein đã bỏ ra 10 năm trời để nghiên cứu một công trình đồ sộ dung hòa 3 lý thuyết điện trường, từ trường và quang trường và đã thất bại!.

Lê Nin cũng nói rằng: “Người tài giỏi không phải là người không có sai lầm, họ vẫn có sai lầm nhưng nếu có sai lầm thì sai lầm không lớn và họ có thể khắc phục được.”

Nhà bác học Louis Pasteur nói rằng: “Sự may mắn chỉ đến với với những người có sự chuẩn bị sẵn sàng.”

Nhưng các bạn chú ý rằng: “Không ai may mắn cả cuộc đời và không ai rủi ro cả cuộc đời”.

Trong lịch sử của Việt Nam có nhiều người rất tài giỏi nhưng cũng không thành công vì họ không gặp may mắn… Ví dụ:

Nguyễn Hiền của Việt Nam, 6 tuổi đỗ trạng nguyên, nhưng 21 tuổi đã mất. Ông cũng chẳng để lại cho đời cái gì nhiều.

Trần Bích San, tam nguyên uyên đỗ, đỗ đầu 3 kỳ thi: Thi Hương, thi Hội, thi Đình nhưng đã chết sớm nên chẳng để lại cho Việt Nam và nhân loại cái gì nhiều.

Phan Bội Châu, đỗ đầu kỳ thi Hương, là một người rất yêu nước và quyết tâm tìm đường giải phóng dân tộc nhưng đã thất bại. Trước khi chết ông có nói rằng: “ Đời tôi đã 100 lần thất bại và chưa một thành công!.”

Trong yếu tố may mắn của bạn có một yếu tố cực kỳ quan trọng là sức khỏe. Nếu bạn mới sinh ra bạn có được một cơ thể lành lặn, khỏe mạnh, ít ốm đau, bệnh tật là bạn đã may mắn rồi. Có những người mới sinh ra đã không có được một cơ thể lành lặn, hoặc hay ốm đau, bệnh tật, hoặc mắc bệnh bẩm sinh… là họ đã không may mắn từ khi mới chào đời.

Trong thực tế có nhiều người rất tài giỏi, rất nổ lực, nhưng giữa lúc công danh, sự nghiệp đang lên thì họ không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo…và qua đời sớm, họ cũng không thành công được.

Con người ta có rất nhiều ước mơ, nhưng khi ốm đau, bệnh tật, lúc đó họ chỉ có một ước mơ duy nhất là sớm hết bệnh để trở lại với cuộc sống đời thường, nhưng ngay cả ước mơ tầm thường, đơn giản vậy nhưng nhiều người cũng không có được nếu họ không may mắc phải căn bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo…

Cũng có những người tài giỏi nhưng cuộc đời của họ gặp quá nhiều thăng trầm và rủi ro hoặc họ bị tai nạn mất sớm hoặc họ sinh ra không gặp thời: Chiến tranh, loạn lạc… họ cũng không thành công được.

Trong sự may mắn của bạn có cả sự giúp đỡ từ người khác. Có rất nhiều người thành công, nhưng ban đầu họ cũng cần sự giúp đỡ từ người khác. Ví dụ:

Michael Faraday, từ một người thợ đóng sách không bằng cấp, nhờ Giáo sư ĐêVi đưa vào làm thư ký trong phòng thí nghiệm của ông. Sau này Michael Faraday đã trở thành nhà vật lý học vĩ đại.

Nhà bác học Newton cũng vậy, ông nhờ giáo sư của mình trước khi nghỉ hưu đã đưa ông, một học trò ruột của mình lên thay thế. Sau này Newton trở thành nhà khoa học vĩ đại.

Charles Darwin, nhờ giáo sư Henslow giới thiệu đảm nhận vị trí nhà tự nhiên học trù bị trên con tàu thám hiểm HMS Beagle, từ đó tạo ra bước ngoặc nghiên cứu của ông. Sau này Charles Darwin đã trở thành nhà sinh vật học nổi tiếng thế giới.

Vì vậy các bạn đừng ngại nhờ người khác giúp đỡ khi gặp khó khăn. Họ giúp đỡ bạn, sau này nếu thành công bạn sẽ giúp đỡ lại những người khác, như vậy vẫn tốt hơn nhiều là bạn không cần sự giúp đỡ và bạn cũng không thành công!.

Hiện nay có nhiều người sau khi thất bại họ thường đổ thừa cho số mạng! Họ nói rằng: “Giày, dép còn có số nữa là con người.” Nhưng xin thưa với các bạn số của giày, dép bạn còn nhìn thấy và biết số mấy, còn số của các bạn, các bạn có nhìn thấy đâu! Mà không nhìn thấy thì làm sao bạn biết mình số nào! Theo tác giả bạn nên cố gắng hết sức mình, “tận nhân lực mới tri thiên mạng”, khi bạn đã cố gắng hết khả năng và sức lực của mình rồi nhưng vẫn thất bại thì bạn chấp nhận và làm lại hoặc bạn chuyển sang hướng khác và không hối tiếc vì mình đã cố gắng hết sức rồi! Còn khi bạn không làm hoặc không cố gắng hết sức mà thất bại, bạn đổ thừa cho số mạng là không đúng, nếu không muốn nói là ngụy biện, hay mắc bệnh đổ thừa…

Theo tác giả, một khi bạn đã cố gắng hết sức, bạn sẽ không thành công nhiều thì cũng thành công ít chứ không có chuyện không được gì!

Tóm lại: Trên bước đường thành công của con người ta đều cần một chút may mắn kể cả những thiên tài. Nếu muốn may mắn bạn phải nổ lực nhiều, phấn đấu nhiều, chuẩn bị sẵn sàng nhiều để khi có cơ hội bạn chớp được ngay. Bạn cũng nên sống tốt với mọi người, làm từ thiện và giúp người khi có cơ hội thì bạn sẽ gặp may mắn nhiều…Bạn không thể ngồi đó, không làm gì, không cố gắng hoặc làm những việc hại người, lợi mình mà đòi hỏi may mắn được!

TÓM TẮT TOÀN BỘ

Các yếu tố chính giúp bạn thành công trong cuộc sống, đó là:

  • Nổ lực của bản thân – Đây là yếu tố quan trọng nhất
  • Hoàn cảnh của của thân
  • Chỉ số thông minh IQ và khả năng thích nghi của bạn
  • Sự may mắn

Các yếu tố trên cần có sự dung hòa, phối hợp lẫn nhau. Các bạn nên nhớ rằng một yếu tố tốt không thể giúp bạn thành công nếu như các yếu tố khác xấu, nhưng ngược lại một yếu tố quá xấu sẽ làm bạn thất bại dù các yếu tố khác tốt…Nhiều người nói rằng: “Một con én không làm nỗi mùa Xuân nhưng một con chim cánh cụt vẫn có thể đem được mùa Đông tới”. Tức một yếu tố tốt không giúp bạn thành công, nhưng một yếu tố xấu vẫn làm bạn thất bại. Ví dụ:

  • Trường hợp 1: Bạn sinh ra trong một gia đình giàu có, hoàn cảnh của bạn rất tốt, nhưng bạn không nổ lực phấn đấu bạn không thể thành công được!.
  • Trường hợp 2: Nếu các yếu tố khác của bạn đều tốt, nhưng bạn quá không may mắn như mắc phải căn bệnh hiểm nghèo… bạn vẫn thất bại.
  • Trường hợp 3: Các yếu tố khác của bạn tốt, nhưng hoàn cảnh của bạn quá khắc nghiệt, bạn sinh ra ở một đất nước đang chiến tranh như Ucraina và bạn phải đi lính… bạn vẫn thất bại.

Và tất nhiên còn nhiều trường hợp khác nữa….

Giống như trong học tập cũng vậy, một môn học bạn được 10 phẩy, bạn không thể là một học sinh giỏi hay học sinh khá được nếu như các môn khác của bạn không tốt; nhưng chỉ cần một môn duy nhất bạn bị điểm liệt, bạn vẫn phải thi lại hoặc ở lại…

Trong bóng đá cũng vậy, một cầu thủ chơi tốt không thể giúp đội bóng đó chiến thắng, nhưng một cầu thủ chơi quá tệ như thủ môn chẳng hạn vẫn khiến đội bóng đó thất bại…

Bạn chỉ có thể thành công khi bạn có cả các yếu tố trên và không có yếu tố nào của bạn quá tệ!

GIẢI PHÁP CUỐI CÙNG

Khi các giải pháp khác đều không thể giúp bạn thành công hay không thể thực hiện được, bạn hãy chọn giải pháp cuối cùng, đó là lòng thương hại từ đối tác!

Khi làm việc gì, nếu như các giải pháp khác đều không thể giúp bạn thành công hay không thể thực hiện được, bạn hãy chọn giải pháp cuối cùng, đó là giải pháp “lòng thương hại” từ đối tác!

Giải pháp “Lòng thương hại” bạn có thể áp dụng trên nhiều lĩnh vực như: Thi cử, việc làm, tình cảm, làm từ thiện… Ví dụ:

  • Trường hợp thứ nhất, tôi được biết có một sinh viên học một môn học và thi nhiều lần môn đó không đậu. Cuối cùng sinh viên này quyết định học lại môn học này của Thầy giáo cũ dạy, nhưng sinh viên này hôm nào cũng đi học sớm và ngồi ở bàn đầu. Vì đã học và thi nhiều lần rồi nên Thầy giáo biết mặt, biết tên sinh viên này và cuối cùng sinh viên này thi đậu môn này dù khi thi làm bài cũng không tốt.
  • Trường hợp thứ hai, một sinh viên thi lại vấn đáp một môn học, bài tập thì làm được nhưng lý thuyết khi Cô giáo hỏi bài không trả lời được, Cô giáo cho rớt. Nhưng cuối giờ khi các sinh viên khác đều ra về hết, sinh viên này ở lại năn nỉ Cô giáo và Cô giáo cũng cho qua…
  • Trường hợp thứ ba, một bạn nữ học cử nhân tin học ra trường vào thử việc tại một công ty, Sếp của bạn ấy giao cho một công việc liên quan đến lập trình, bạn ấy không làm được. Nhưng mỗi lần Sếp la mắng hay nói nặng nhẹ bạn ấy đều khóc. Cuối cùng Sếp của bạn thấy thương tình và cũng nhận vào làm sau thời gian thử việc nhưng bố trí bạn ấy một công việc văn phòng khác phù hợp.
  • Trường hợp thứ tư, về mặt tình cảm chắc chúng ta đã biết câu nói: “Đẹp trai không bằng chai mặt!”. Tôi được biết có một anh công an theo đuổi một cô giáo, cô giáo này ban đầu kiên quyết không đồng ý và đã từ chối nhiều lần. Cuối cùng anh ta quyết định vào một buổi chiều mưu rơi tầm tả, anh ta đến nhà cô giáo này và ướt như chột lột!. Cuối cùng cô giáo cũng “động lòng trắc ẩn” và nhận lời yêu anh ta, anh ta cũng đã thành công trong việc chinh phục trái tim cô giáo!.
  • Trường hợp thứ năm, tôi được biết có nhiều Sơ ở các nhà thờ làm các thiệp, các đồ thủ công mỹ nghệ để bán kiếm tiền làm từ thiện, nhưng lúc đầu không bán được. Cuối cùng các Sơ làm các tấm bảng dán ở trước và ghi dòng chữ “Hàng bán để làm từ thiện” và kêu gọi các Giáo dân , người dân ủng hộ… cuối cùng các Sơ cũng bán được hết…

Tất nhiên còn rất nhiều trường hợp khác nữa…

Khi các bạn quyết định chọn giải pháp “Lòng thương hại” từ đối tác, các bạn phải chú ý các điểm sau:

  • “Lòng thương hại” áp dụng được ở nhiều lĩnh vực nhưng không phải ở tất cả các lĩnh vực. “Lòng thương hại” bạn nên áp dụng vào những việc mang tính chất cảm tính, còn những việc đã quá rõ ràng, giấy trắng mực đen rồi thì bạn không áp dụng giải pháp “Lòng thương hại” được.
  • “Lòng thương hại” chỉ áp dụng một lần vào một đối tượng khác nhau thôi. Bạn không thể sử dụng giải pháp “Lòng thương hại” cho một đối tượng nhiều lần được.
  • “Lòng thương hại” chỉ giúp bạn đạt được mục tiêu chứ không giúp bạn đạt được xuất sắc mục tiêu!.
  • “Lòng thương hại” đòi hỏi bạn phải thành tâm để cho đối tác cảm thấy thương hại! và bạn cũng cần một chút kiên nhẫn nữa.
  • “Lòng thương hại” đòi hỏi bạn phải xuống nước, phải kiên trì, đôi khi phải năn nỉ đối tác bạn mới thành công được. Còn bạn là một người sĩ diện, tự trọng cao, không thích “vào luồn ra cúi” thì bạn sẽ không chọn giải pháp này được.
  • “Lòng thương hại” không phải lúc nào cũng thành công, nó phụ thuộc vào “lòng thương hại” của đối tác, khả năng của đối tác, lĩnh vực bạn mong muốn, mức độ mong muốn của bạn…
  • “Lòng thương hại” bạn chỉ nên chọn là giải pháp cuối cùng sau khi các giải pháp khác đều không thành công hoặc không thể thực hiện được.

Người viết

Nguyễn Đăng Đệ

About NGUYEN DANG DE

Check Also

CÁCH NHẬN BIẾT SẾP CỦA BẠN LÀ TỐT HAY TỒI, CÓ NĂNG LỰC HAY”CÙI BẮP” VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT

Trong một doanh nghiệp, một cơ quan, một tổ chức hay một đất nước…vai trò …

Trả lời